Thứ Tư, 19 tháng 12, 2012

Trung Quốc tiêu thụ gỗ lậu lớn nhất thế giới





Báo cáo của Tổ chức Điều tra Môi trường (EIA) có trụ sở tại London (Anh) hôm 29.11.2012 đã lên tiếng, do nhu cầu vô độ của Trung Quốc về gỗ, là tác nhân thúc đẩy tệ nạn buôn lậu gỗ trên toàn cầu gia tăng, khiến diện tích rừng ở châu Á và châu Phi ngày càng bị thu hẹp.


Trung Quốc-nền kinh tế lớn thứ hai của thế giới, hiện là nhà nhập khẩu, tiêu thụ gỗ và các sản phẩm từ gỗ lớn nhất thế giới. Do nguồn cung nội địa ít, Trung Quốc đã chuyển hướng sang các quốc gia khác nhằm bù đắp cho sự thiếu hụt này.


 Trung Quốc tiêu thụ gỗ lậu lớn nhất thế giới

Trong một báo cáo của EIA mang tên “Cơn khát là nguồn cơn của sự hủy diệt: Nạn buôn lậu gỗ của Trung Quốc” đã khẳng định, Trung Quốc là nước nhập khẩu gỗ lậu lớn nhất thế giới, với kim ngạch nhập khẩu lên tới 4 tỉ USD/năm. Báo cáo ước tính, trong tổng lượng gỗ nhập khẩu năm 2011 của Trung Quốc, gỗ nhập lậu chiếm 10%, tức khoảng 18,5 triệu mét khối, trị giá 3,7 tỉ USD. Lượng gỗ này đủ để lấp đầy sáu lần diện tích Sân vận động Olympic ở Bắc Kinh. Còn theo tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol), tổng giá trị gỗ lậu bị buôn bán trên toàn cầu mỗi năm là hơn 30 tỉ USD.

Cũng theo điều tra của một tổ chức môi trường cho biết, nhu cầu vô độ về gỗ nhằm cung cấp cho các nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu và thỏa mãn tiêu thụ nội địa của tầng lớp nhà giàu đã biến Trung Quốc thành trung tâm của nạn buôn bán gỗ lậu. Hiện nay, giới nhà giàu Trung Quốc đang rộ lên mốt chơi nội thất bằng gỗ quý hiếm, có trị giá lên tới hàng trăm nghìn dollar. Phần lớn những sản phẩm nội thất quý hiếm đắt tiền này có nguồn gốc từ gỗ lậu nhập lậu ở Campuchia, Lào, Thái Lan hay Madagascar. Do đó, các nước ở xa Trung Quốc như Mozambique ở châu Phi, quần đảo Solomon ở Nam Thái Bình Dương, đến các quốc gia gần hơn như Myanmar, Lào và các nước láng giềng khác của Trung Quốc đều đang rơi vào tình trạng chặt gỗ quý và các loại cây khác nhằm thỏa mãn nhu cầu tiêu thụ của người Trung Quốc. EIA nhận thấy rằng, ở một số các quốc gia, người mua Trung Quốc đã bất chấp các thỏa thuận quốc tế trong ngăn chặn nạn buôn bán gỗ và xuất khẩu các loại gỗ quý bất hợp pháp bằng việc thưởng tiền và thông qua mạng lưới buôn lậu gỗ. “Hơn một nửa nguồn cung nguyên liệu gỗ hiện tại của Trung Quốc đến từ các nước có nguy cơ tàn phá rừng cao trong khi chính sách bảo vệ rừng kém” – EIA khẳng định. Ngược lại, diện tích che phủ rừng tại Trung Quốc đang tăng lên vì nước này ban hành luật bảo vệ rừng nghiêm ngặt và thực hiện nhiều chương trình tái trồng rừng.

EIA cũng cho biết việc các nhà buôn Trung Quốc đã thúc đẩy tội phạm, tham nhũng, bảo trợ cho hệ thống chính trị, chính sách quản lý rừng yếu kém ở những quốc gia cung ứng gỗ như thế nào, và trong khi những nước tiêu thụ gỗ lớn khác như Mỹ và Liên minh châu Âu đã tiến hành những biện pháp cấm khai thác gỗ bất hợp pháp nhưng Chính phủ Trung Quốc lại không có động thái nào để ngăn chặn nạn nhập khẩu gỗ tròn bất hợp pháp.

Theo ghi nhận của Interpol, Ngân hàng Thế giới và những tổ chức khác thì nhu cầu về gỗ của Trung Quốc đã thổi bùng lên xung đột tại Miến Điện, Campuchia, Papua New Guinea và một số vùng ở châu Phi, đồng thời cũng đang đe dọa các khu rừng xa xôi ở nước ngoài như Brazil, Tây Phi, In-đô-nê-xi-a và Viễn Đông của Nga.

Dựa trên các cuộc điều tra của riêng mình, kết hợp với phân tích dữ liệu của Liên Hiệp Quốc và các cơ quan Trung Quốc, báo cáo của EIA đã bổ sung gỗ vào danh sách các nguyên liệu mà Trung Quốc có nhu cầu tiêu thụ và đang khiến thế giới thay đổi.

Nhu cầu về gỗ của Trung Quốc gia tăng do sự phát triển nóng của quốc gia này trong 15 năm qua và nền kinh tế phát triển nhanh của Trung Quốc vẫn tiếp tục thúc đẩy cơn khát gỗ xây dựng, điều này khiến các nước gặp khó khăn trong việc bảo vệ nguồn gỗ quý, đa dạng sinh học. Để giải quyết những vấn đề về môi trường, Trung Quốc cần quản lý chặt chẽ hơn về gỗ tròn và xây dựng kế hoạch trồng rừng với quy mô lớn - EIA khuyến cáo.

Các cơ quan hữu quan của Trung Quốc đã từ chối đưa ra bình luận ban đầu về báo cáo trên.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét